Có được công việc đầu tiên ở một đất nước xa lạ, lại đúng chuyên môn là một điều không dễ dàng chút nào nhưng không phải là không thể thực hiện. Đó là một quá trình, quan trọng là cần giữ được sự kiên định và nỗ lực, vào đúng thời điểm, cơ hội sẽ tới, lúc đó bạn chỉ việc đón nhận.
1. Kiên định
Mình sang Canada theo dạng Federal Skilled Worker, điều đó có nghĩa là ở Canada ngành HR mình đang làm ở vẫn cần rất nhiều người. Vậy nên, điều đầu tiên là mình thật sự kiên định để theo đuổi tiếp chuyên môn của mình. Khi mới qua, mình tìm hiểu các thông tin về nhân sự, các hiệp hội nhân sự và kết nối với những người Việt Nam làm nhân sự bên này. Tuy nhiên, số người Việt làm nhân sự mà mình biết thì rất ít. Sau một thời gian thử ứng tuyển một vài nơi, mình nhận ra công việc HR ở chỗ mình ở, họ yêu cầu kiêm nhiệm nhiều vai trò, mà trong số đó là am hiểu về luật Lao dộng Canada, điều mà mình đang thiếu. Thế là mình bắt đầu nghĩ tới phương án đi học. Mọi người nói đã học lại thì sao không kiếm ngành nào mà dễ kiếm việc như IT, y tế, mẫu giáo. Nhưng, một lần nữa, mình vẫn tin kinh nghiệm HR mình có được suốt 10 năm qua vẫn sẽ tiếp tục sử dụng được.
Mình đăng kí học khóa online Quản lý nhân sự – 1 năm và trong quá trình học có gián đoạn 1 thời gian vì mình có em bé. Vừa bầu bì, vừa nuôi con nhưng cũng vượt qua được với tấm bằng xuất sắc (dù mình cũng chưa sử dụng tới vì đã có việc trước khi nhận bằng tốt nghiệp). Nhưng mình thấy việc học giúp cho mình không bị ì khi ở nhà, đặc biệt khoảng thời gian mình qua, mọi thứ ngưng trệ vì COVID. Việc học giúp cho mình luôn giữ được sự kiên định để đi theo hướng mình chọn.
Khi ứng tuyển, thay vì rải truyền đơn tất cả mọi vị trí, mình vẫn chọn lọc những vị trí tương đương với công việc ở Việt Nam, dù mình biết khả năng cạnh tranh rất cao nhưng nếu cứ ứng tuyển ở mọi vị trí, mình sẽ không tập trung và phát huy được kĩ năng mình sẵn có. Đơn giản vì để có được công việc, thì phải qua được vòng phỏng vấn và điểm mạnh yếu của bạn sẽ thể hiện rất rõ, thế nên chỉ nên ứng tuyển công việc nào mà bạn có thể làm tốt.
(nói về phỏng vấn thì mình có kinh nghiệm 10 năm đi phỏng vấn người khác và trải qua nhiều vòng phỏng vấn khá cam go với các công ty lớn ở Canada – cái này bạn nào muốn nghe thêm thì mình sẵn sàng chia sẻ)
2. Nỗ lực
Tính từ thời điểm mình bắt đầu đi tìm việc và có được công việc ở văn phòng Chính phủ là chưa đến 2 tháng. Nhưng trong suốt 2 tháng đó, là cả một sự chuẩn bị chu đáo, thậm chí mình thấy còn căng thẳng hơn lúc mình đi thi đại học. Mình gửi CV cho tầm 20 công ty, và được 3 công ty gọi, trong đó 2 công ty phỏng vấn vòng cuối và mình chọn làm việc cho City of Kitchener, thành phố nơi mình đang ở. Tính ra tỷ lệ 10% không quá tệ (mình nghe mọi người đi trước nói nên chuẩn bị tinh thần cho tỷ lệ đó, có thể chỉ có 1% thôi – nhưng 1% vẫn nhiều hơn 0%, đúng không?)
Vậy thì mình chuẩn bị những gì?
– Viết CV: đây là một nghệ thuật, mình nói vậy vì không biết mình đã phải viết bao nhiêu cái, và ứng với 1 công việc, mình phải viết 1 CV khác nhau để hợp với công việc đó. Mình sử dụng phần mềm Jobscan để bảo đảm rằng những gì mình viết trên CV phải trùng khớp trên 80% nội dung của yêu cầu công việc đang tuyển. Có như vậy thì mới hi vọng qua được vòng loại hồ sơ vì hầu như tất cả các công ty đều xét hồ sơ tự động bằng phần mềm. (Cách viết như thế nào, mình có thể viết thêm bài khác hoặc tư vấn riêng cho các bạn. Và nói trước, đó là 1 quá trình khá nản, vì để khớp hơn 80%, bạn phải làm đủ trò.
– Chuẩn bị cho phỏng vấn: đây là quá trình tốn thời gian và nhức não nhất. Mình hầu như phải viết lại từng công việc mà mình đã làm qua trong suốt 10 năm, ứng với yêu cầu của công việc đang tuyển. Quan trọng, viết theo cú pháp STAR (Situation – Task – Action – Result) để thể hiện rõ được kĩ năng cũng như thành tích mình đạt được (và tất cả phải đo lường được bằng con số cụ thể). Phần lớn các công ty sẽ phỏng vấn dựa theo kinh nghiệm thực tế của bạn, chứ họ không hỏi những câu hỏi giả định. Mình có phỏng vấn với Amazon, và thấy họ tổ chức phỏng vấn rất chuyên nghiệp và gắt gao. Nếu bạn thật sự không làm những gì mà bạn viết trong CV, thì chắc chắn người phỏng vấn sẽ biết ngay khi nói chuyện với bạn. Cứ mỗi công việc mà mình đã làm, mình viết ra gần 1 trang A4, và mình có tổng cộng nguyên 1 chồng giấy A4 tầm hơn 30 trang để chuẩn bị cho phỏng vấn. Và điều cuối cùng, học thuộc lòng sao cho bạn có thể diễn đạt một cách tự nhiên nhất.
– Trong lúc phỏng vấn: mình không cần nói về tác phong chuyên nghiệp vì đó là điều tối thiểu bạn phải có. Mình sẽ nói về cách có được sự tự tin và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Vì không cần biết bạn chuẩn bị kĩ cho cuộc phỏng vấn đến mức nào, nhưng bạn chỉ có 30-60 phút thể hiện điều đó. Thế nên mỗi giây phút trôi qua đều rất quý giá để bạn có được cân nhắc hay không. Sự tự tin sẽ đến từ việc bạn chuẩn bị kĩ thế nào. Trước ngày phỏng vấn, mình cứ như đang tập thoại cho 1 bộ phim, tự hỏi tự trả lời, đến khi nào mình nói thật tự nhiên thì thôi. Trong quá trình phỏng vấn, quan trọng là bạn đủ nhạy để có thể nhận diện được ý mà người ta hỏi để mình trả lời được điều mà người ta muốn nghe. Làm sao làm được điều này? Phỏng vấn demo có thể giúp! (Bạn nào cần demo interview, mình sẵn sàng hỗ trợ nếu sắp xếp được thời gian).
Trong lúc phỏng vấn vòng cuối với một vài công ty, mình vẫn tiếp tục kết nối trên LinkedIn, làm quen với những người chung ngành HR, vẫn tiếp tục ứng tuyển những chỗ khác để có gì rớt công ty này thì còn công ty khác. May mắn là mình không cần ai giới thiệu mà cũng có được công việc cho Chính phủ.
Đó là sơ nét về quá trình của mình, nếu nói sâu hơn thì sẽ còn nhiều thứ lắm. Nếu bạn đã làm tất cả mọi thứ trên mà vẫn chưa có được công việc như ý, thì cứ nghĩ đơn giản là chưa tới thời điểm thích hợp thôi. Mọi cố gắng của bạn sẽ được đền đáp!
Trên đây là chia sẻ rất cá nhân của mình, mình đón nhận tất cả những thắc mắc của bạn nào muốn tìm hiểu kĩ hơn, phục vụ cho mục đích kiếm việc, phát triển nghề nghiệp.
Cám ơn bạn đã đọc đến hết bài!
Nguồn: Van Anh Nguyen / Hội Người Việt tại Canada